Phượt du lịch Tây Giang Quảng Nam ngắm “SAPA thu nhỏ”
Du lịch Tây Giang Quảng Nam đang là một địa điểm du lịch mới của tỉnh Quảng Nam nằm cách thành phố Đà Nẵng 102km về phía Tây Bắc theo QL14G, tuy là địa điểm du lịch gần Đà Nẵng nhưng được ít khách du lịch biết đến, do Tây Giang là một huyện miền núi nằm trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, phía Tây giáp Lào, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, Phía Nam giáp huyện Nam Giang, phía Đông giáp huyện Đông Giang, dân số thấp nhất tỉnh Quảng Nam. Đông Giang và Tây Giang là 2 huyện tách ra từ huyện Hiên tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, Tây Giang cũng là địa bàn sinh sống của người dân tộc thiểu số CơTu khu vực Trường Sơn, nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên bản nét văn hóa truyền thống, các khu rừng nguyên sinh nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng phong tục tập quán, trang phục lễ hội, nhạc cụ, … của người dân tộc. Du lịch Tây Giang được ví như “Đà Lạt của miền Trung” và trở thành địa danh “HOT” trên bản đồ du lịch cho những tín đồ đam mê “PHƯỢT”
Nên đi phượt du lịch Tây Giang mùa nào?
Mùa hoa đỗ quyên nở rộ ào ạt ở Tây Giang từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời gian đẹp nhất nơi đây để khách du lịch vừa ngắm hoa vừa săn mây trên độ cao 2.000m so mặt nước biển với đủ màu sắc đỏ, tím, trắng, hồng, trắng pha hồng trên đỉnh núi Trường Sơn trên tổng diện tích 450ha. Mỗi cây đỗ quyên có chiều cao trung bình từ 5-10m tạo thành quần thể khu rừng Đỗ Quyên độc đáo ở Tây Giang Quảng Nam sẽ gây ngạc nhiên đối với khách du lịch đến thăm Đỉnh Quế. Tránh đến đây vào mùa mưa vì lúc này đường xá khó di chuyển và đôi khi cũng khá nguy hiểm thường là vào dịp gần cuối năm, Tây Giang đang mưa rả rích và lạnh, các bạn đi chơi nên để qua đợt mưa này đã nhé. Mưa đường sá trơn và hư hỏng nhiều, tầm nhìn hạn chế nên rất nguy hiểm. Nếu bạn muốn cảm nhận trọn vẹn khí trời mát mẻ, sương mù bao quanh nên đi vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 2 nhiệt độ trên núi xuống thấp tầm 8-10 độ C mỗi sáng sớm đều có sương mù bao quanh và ngàn may trắng xóa đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh nơi trần gian vào buổi chiều tối. Còn nếu bạn đến vào thời điểm khác không thể săn mây thì bạn cũng có thể ngắm sự hùng vĩ của núi rừng Tây Giang.
Phượt du lịch Tây Giang Quảng Nam nên đi như thế nào?
Có 2 cách di chuyển đi Tây Giang
Từ Đà Nẵng đi Tây Giang Quảng Nam: có 2 hướng đi là đi qua huyện Đông Giang và Nam Giang, nhưng nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian hơn nên di chuyển qua huyện Đông Giang theo đường Quốc lộ 14G, trên cung đường này bạn có thể ngắm đồi chè Đông Nam gặp trị trấn P’rao đi thẳng theo bản chỉ dẫn là đến Tây Giang, còn nếu bạn chọn hướng đi qua Nam Giang thì đi đến ngã ba giao giữa Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang rẽ trái là tới Tây Giang
Từ Tam Kỳ Quảng Nam đi Tây Giang: từ thành phố Tam Kỳ cũng có 2 hướng đến Tây Giang, một là theo đường Hùng Vương ra quốc lộ 1A, rẽ trái theo Quốc lộ 14G thẳng đến Nam Giang, hai là ra đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng rẽ trái theo đường Quốc lộ 14G rồi thẳng tiến đến Nam Giang.
Nếu bạn ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc các tỉnh gần Quảng Nam muốn đến Tây Giang cũng rất đơn giản nha, hiện nay phương tiện di chuyển rất đa dạng và phổ biến như:
Xe khách giường nằm
Xe khách giường nằm chất lượng cao của các hãng xe uy tín Phương Trang, Thành Bưởi, … chỉ cần đặt vé trước và đến ngày là có thể xuất phát, nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí di chuyển đây là phương tiện tối ưu nhất.
Máy bay
Tại các thành phố có sân bay bạn đều có thể đặt vé trước và bay đến sân bay Chu Lai của Quảng Nam đang được quy hoạch thành cảng hàng không Quốc tế, sau đó di chuyển thành phố Tam Kỳ nằm cách 32km, mất khoảng 40 phút đi bằng ôtô. Đây là phương tiện đắt tiền nhất nhưng tiết kiệm thời gian di chuyển nhất.
Tàu hỏa
Nếu bạn chọn phương tiện di chuyển là tàu hỏa thì có thể chọn ga Đà Nẵng hoặc ga Tam Kỳ là điểm dừng khi đến du lịch Tây Giang Quảng Nam nhé. Tùy vào địa điểm xuất phát mà bạn có thể chọn ga gần nhất cho thuận tiện di chuyển. Đây cũng là phương tiện tiết kiệm chi phí hơn đi máy bay nhưng cũng mất khá nhiều thời gian đấy nhé!
Xe máy
Đây là phương tiện được giới trẻ thích phượt chọn di chuyển có thể xuất phát bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu trải nghiệm cảm giác thù vị trên các cung đường đi qua, đặc biệt là các cung đường đèo đến Tây Giang Quảng Nam, ôi tuyệt vời làm sao. Nhưng đổi lại bạn phải có sức khỏe có thời gian mới đủ tỉnh táo cầm lái suốt chặng đường đi và về nhé! Đây là phương tiện đi lại có thể nói là thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhất.
Từ Quảng Nam đi Tây Giang có rất nhiều phương tiện di chuyển công cộng cho bạn tự do lựa chọn với nhiều điểm dừng suốt tuyến đường hoặc bạn có thể thuê người dân chở đi.
Các địa điểm phượt du lịch Tây Giang Quảng Nam
Cách Đà Nẵng 120km về phía Tây, cung đường lên Tây Giang đẹp nhưng khá căng go, thách thức sự dũng cảm của những tay phượt khi qua những con dốc cao, quanh co với những cái tên ấn tượng như dốc Khom Lưng, Mẹ ơi… Có lẽ đó là lý do được nhiều bạn trẻ Quảng Nam và Đà Nẵng chọn là nơi để thử thách, chinh phục và khám phá.
Em có về miền quê hương của anh
Đây vùng núi cao nắng cháy gió Lào
Đêm nằm nghe rừng thì thào ca hát
Bên làng CơTu dạt dào yêu thương
Em có về theo ngọn nguồn A vương
Ngắm bình minh nơi đỉnh quế trắng ngần
Đón hoàng hôn Ka lang chiều tim ngát
Ru gọi lòng ai tha thiết đợi chờ nhau …
Em có về nơi ấy biên cương
Say trống chiêng vọng vang đêm hội làng
Điệu tân tung da dắ rộn ràng
Níu gọi hồi em, ru gọi tình em
Ở lại mãi với Tây Giang…
Em có về nơi ấy yêu thương
Chiều biên cương nặng sâu bao nghĩa tình
Bên sàn Gươl vang lời già hát lý
Vít cần nghiêng nghiêng trao gửi lời tình lứa đôi
Như mùa xanh tươi mới của núi rừng
Anh gửi cho em. Anh gửi cho em!
Đỉnh Quế – Đồi chè Tây Giang
Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mặt nước biển, đỉnh Quế (thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang) được coi là ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam bởi quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Gọi là đỉnh Quế vì trước kia, nơi đây toàn là rừng rậm nguyên sinh, riêng một ngọn đồi toàn cây quế.
Có dịp đi lên Đỉnh Quế mới thấy được lời ông Clâu Hạnh ví von nơi đây chẳng thua gì Sa Pa là hoàn toàn có cơ sở. Thời tiết ở đỉnh Quế mát mẻ, có những thời điểm lạnh cắt da cắt thịt, khách phải mặc vài lớp áo khoác dày. Vào hai thời điểm sáng sớm và chiều tà, những ngọn núi điệp trùng lúc hiện lúc ẩn dưới làn mây mù vẽ nên một bức tranh mờ mờ ảo ảo tuyệt đẹp.
“Khắp vùng núi này, chỉ có đỉnh Quế mới có thời tiết đặc biệt đến vậy. Mây ở đỉnh Quế sáng sớm kéo dài đến 9-10h sáng mới tan, đứng gần nhau chẳng thấy mặt người. Buổi chiều từ 3h thì mây đã buông, ánh mặt trời chiếu rọi qua làn mây mỏng hắt xuống sườn núi một khung cảnh đỏ vàng lộng lẫy. Khách muốn thưởng thức vẻ đẹp tuyệt mỹ thì phải tranh thủ đi vào hai thời điểm này”, ông Clâu Hạnh người dân địa phương cho biết.
Ở phía trên đỉnh Quế là thác suối dựng đứng Ra-ai đổ từ đỉnh A Rùng (giáp Lào), quanh năm nước trong vắt, tung bọt trắng xóa. Cách đỉnh Quế 10km đường nhựa là khu rừng nguyên sinh Pơ mu, trong đó có 725 cây Pơ mu vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Ngoài ra, còn hàng loạt tầng sinh thái gồm các cây gỗ và dược liệu quý như dổi, sến… chưa từng được khai thác.
Chị Tangôn Thị Đào, nhân viên khu du lịch, cho biết: “Khách đến đây khoái không khí trong lành và khung cảnh núi rừng hùng vĩ lắm, đặc biệt là tắm thác. Thấy họ khen quê mình đẹp, mình cũng thấy ấm cái bụng”. Theo chị Đào, phần lớn khách du lịch đến từ Hội An, Đà Nẵng. Du khách nước ngoài cũng có.
Họ đi theo nhóm, rồi qua đêm ở đỉnh Quế. Hôm chúng tôi đến, có một nhóm phượt từ Hội An lên, họ nhờ chị Đào dẫn đường đến thác Ra-ai để tắm suối; chiều buông, họ về tại nhà dân cùng uống rượu cần và hòa mình vào điệu nhảy điệu “tung tung da dá” quanh bếp lửa với người CơTu.
Thác Rơ Cung – Bhale Tây Giang
Thác Rơ Cung nằm trên xã Bha’le thuộc huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam. Để đi đến thác Rơ Cung bạn sẽ đi theo đường Hồ Chí Minh đến đoạn rẻ lên A Tiêng thay vì lên thị trấn thì mình sẽ đi tiếp dọc theo con đường Hồ Chí Minh tuyệt đẹp bạn sẽ thấy 1 đoạn có 1 con suối chảy dọc theo con đường là sắp đến thác rồi đấy. Khi đến 1 đoạn rẻ lên, mình sẽ để xe bên dưới lội bộ khoảng 300m ngược theo dòng suối sẽ gặp thác Rơ Cung. Mình nghe dân bản nói thác Rơ Cung Bha’le có nhiều tầng lắm phải leo lên trên nữa mới đẹp nhưng mình chỉ mới đến tầng dưới cùng thôi (các bạn có dịp đi hãy khám phá nó nhé). Lên thác tắm suối, nướng gà thì còn gì tuyệt vời hơn.
Cổng trời Tây Giang
Cổng trời theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang. Nơi đây bao gồm 1 vòm núi đá vôi khổng lồ nối 2 đỉnh đồi tạo thành cái vòm hay cái cổng. Từ cổng trời đi bộ vào bên trong khoảng 30 phút có một hang động gồm nhiều bộng hang lớn nhỏ do những dòng nước chảy hàng ngàn năm tạo thành với nhiều nhũ hoa đẹp mắt, và nơi đây cũng có rất nhiều gềnh thác, suối mát… thu hút rất nhiều phượt thủ đến khám phá.
Làng truyền thống CơTu Tây Giang
Lên Tây Giang, vào các thôn nơi sinh sống của cộng đồng người CơTu, Gươl của đồng bào CơTu, du khách có cơ hội được tham gia lửa trại của đồng bào, ấm long bởi sự hiếu khách, mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây. Rồi du khách lại chếnh choáng hơi men rượu bakich, Tr’đin hoặc rượu cần, rượu sắn. Tất cả hòa quyện tạo thành một bản sắc riêng của đất, của trời, của con người nơi đại ngàn Trường sơn hùng vĩ. Ở Tây Giang, du khách không những được nghe âm thanh cồng chiêng, uống rượu cần bên bếp lửa mà còn được xem những ngôi nhà mồ, những khu làng mới được tái định cư theo mô típ làng truyền thống. Trong cách nghĩ của người CơTu có hai thứ cần làm cho đồ sộ, cho đẹp, hoàn mỹ, đó là Gươl và nhà Mồ.
Rừng nguyên sinh Pơmu
Nếu ngày đó nắng đẹp thì bạn nên đi khám phá rừng Pơ mu. Để an toàn các bạn nên nhờ người dân dẫn đường nhé(rừng cách Đỉnh Quế tầm 1h đi đường). Nếu trời mưa hoặc thấm mệt ko muốn đi bộ đường rừng thì có thể bỏ qua điểm đến này nhé, tuy hơi tiếc. Pơmu là Khu Rừng Di Sản Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á tại thôn Ga nil, xã A xan, huyện Tây Giang. Quần thể Cây Di sản Pơ Mu ngàn năm tuổi tại Tây Giang Quảng Nam làm đường vào tận gốc cây,có thể đi xe máy.
Thăm xã Tr’Hy Tây Giang
Đi tầm 30’ từ Đỉnh Quế bạn sẽ đến Trường Tr’Hy, ở đây thăm mấy bạn học sinh rất dễ thương và vào làng thăm người dân để hiểu thêm về cuộc sống thường ngày. Mọi người ở đây rất mến khách nên các bạn hãy thoải mái hỏi thăm bắt chuyện và học một vài câu tiếng Cơ-tu nhé.
Đến được đây thì các bạn cũng đã thấm mệt và cũng đã đến lúc quay về rồi, các bạn hãy lấy đồ đạc và chuẩn bị lên đường trở về thôi nào.
Trung tâm xã A’Tiêng
Xã A Tiêng là trung tâm của huyện Tây Giang, tại đây bạn có thể nghỉ ngơi, mua sắm, chuẩn bị cho hành trình trở về. Bạn có thể thưởng thức một cốc cafe tại Quán cafe Bờ Hồ thơ mộng, có cây xăng để bạn đổ xăng hoặc sửa các lỗi của con xe yêu quí trước khi say goodbye Tây Giang.
Đặc sản du lịch Tây Giang Quảng Nam
Tí tách bếp lửa hồng
Lộp bộp hạt mưa giông
Nồi sắn sôi sùng sục
Như lục tìm hạt gạo
Ama đi rừng về
Chiếc Slec trống rỗng
Bữa cơm chiều đạm bạc
Sẻ chia nhau miếng sắn
Giữa xóm nghèo vùng cao
Dạt dào tình thương yêu!
Cơm lam và thịt rừng nướng ống
Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc CơTu là một trong số ít dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên còn bảo lưu được các giá trị nguyên gốc của văn hóa dân tộc truyền thống. Nghề thủ công truyền thống của người CơTu khá độc đáo. Bên cạnh nghề dệt vải, người CơTu còn có một số nghề khác như đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình (gùi, nong, nia, chiếu) và nghề làm đồ gốm. Bên cạnh hát lý, người CơTu còn có những làn điệu dân ca: như ba booch, bhơ nooch trữ tình, đằm thắm. Người CơTu có nhiều nhạc cụ như chiêng, trống, tù và, thanh la, sáo, khèn, đàn abel, đàn tơ brêch alui, đàn tưl, đàn gơrơnưna, ahen, aluốt, bham…
Đặc biệt trong văn hoá ẩm thực, người CơTu chế biến nhiều món ăn dân gian độc đáo, tiêu biểu là các món nấu từ ống nứa như món cơm lam, món zrá, các món nướng như: thịt ống nướng ống tre, hay cá nướng ống tre, … kèm theo đó các bạn có thể thưởng thức cùng với chén rượu cần, hay rượu Bakích thì không gì ngon bằng… Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống đã tạo ra sức sống, sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa của đồng bào CơTu. Bạn đi du lịch về Quảng Nam, lên đường Hồ Chí Minh, rẽ lên Tây Giang là có thể hòa mình trong sinh hoạt toàn cảnh của nền văn hóa dân tộc CơTu đa dạng ấy, hãy đến Tây Giang và thưởng thức các món ăn đặc sắc ở đây chắc chắc sẽ không bao giờ quên. Thưởng thức cơm lam…
Vào những ngày đầu mùa Thu chúng tôi có dịp ghé thăm Làng văn hoá Pơning, xã Lăng, huyện Tây Giang. Từ trên cao nhìn xuống làng Pơrning như một ốc đảo thật đẹp. Những căn nhà lụp sụp ngày nào, nay đã thay bằng những ngôi nhà gỗ khang trang, mái tôn sạch đẹp, đường được bê tông hoá, cả làng đã có Gươl là nơi sinh hoạt chung. Độc đáo hơn là ngôi làng này có có 12 ngôi nhà sàn tượng trưng cho 12 dòng tộc họ người CơTu. Theo già làng Clâu Elm người đã lâu năm gắng bó với bản làng tâm sự: Cách đây hơn 30 năm, làng Pơrning có tên là làng Arớh I. Arớh I theo tiếng CơTu có nghĩa là di cư từ vùng, làng này sang vùng, làng khác nhằm tìm vùng đất mới thuận lợi cho sinh hoạt làm nương, làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và săn bắt. Giờ đây, bà con đã về sống tập trung và đã biết chuyển đổi phương thức sản xuất lạc hậu sang thử nghiệm các mô hình kinh tế mới với việc mở các cửa hàng tạp hóa, dịch vụ để mưu sinh. Giờ cuộc sống của bà con làng mình ai khấm khá không còn cảnh đó cơm lạt muối như truớc nữa…
Chọn ống nứa …
Thật may, khi chúng lên Pơning cũng đúng vào dịp cả làng vào hội mừng lúa mới. Nhà nhà ai cũng vui vì năm nay được mùa lúa, ai cũng no cái bụng. Tại đây cả dân làng đang tổ chức lễ đâm trâu, vì không có trâu nên dân làng chọn con bò đực thật to để cúng Giàng, cảm ơn trời đất. Chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình cũng đang làm lễ mừng lúa mới ngay tại nhà, mọi người tụ tập đông vui chúc mừng nhau. Gặp chúng tôi, họ liền mời vô thưởng thức, chia vui cùng với gia đình. Các món nấu từ ống nứa như: món sắn lam, cơm lam, món zrá, các món nướng như: thịt ống nướng ống tre, hay cá nướng ống tre được bày ra giữa nhà đãi khách, … đây là những món ăn truyền thống có từ bao ngàn đời của đồng bào CơTu.
Trong các món truyền thống đãi khách quý lần này, ấn tượng nhất nhất là món Cơm lam-thịt nướng, cái tên không lạ của đồng bào dân tộc thiểu số. Còn với đồng bào miền Tây Quảng Nam thì cơm lam nó đơn giản là cơm nướng bằng ống tre, có lẽ xuất xứ của nó từ hồi chưa có công cụ sắt, nhôm, đồng hay trong quá trình lao động sản xuất trên nương rẫy, … khi đó đồng bào dùng ống tre, ống lồ ô, ống nứa thay nồi, vì vậy không chỉ có cơm nướng trong ống mà thịt cũng nướng trong ống và canh cũng nấu trong ống. Theo lời kể của già làng Clâu Elm trước kia làm gì có son, nồi như bây giờ để nấu. Nhiều gia đình dùng ống tre để nấu cơm, ống tre để nấu canh và dùng cho cả việc nướng thịt. Đồng bào CơTu thường nấu nhiều cơm lam để ăn và đãi khách. Cơm lam (aví hor), hay cơm nếp lam (koo đép) là món ăn được ưa thích bởi gạo tẻ hoặc gạo nếp được nấu trong ống nứa. Cơm lam Tây Giang ngon hơn hẳn các loại cơm lam khác mà chúng ta đã gặp, vì gạo ở đây được lấy từ một loại lúa thơm truyền thống của đồng bào CơTu đó là gạo Prong dùng để nấu cơm và gạo Xương dùng để nấu xôi, loại gạo này rất thơm, dẻo và rất ngon…
Để làm được một ống cơm lam, ống thịt nướng ngon phải rất kỳ công tỷ mĩ, từ cách chọn tre sao cho không cụt ngọn, tre không non quá, cũng không già quá, vì già quá tre không có nước, cơm sẽ khô, còn non quá nuớc nhiều, cơm nhão. Ống tre sau khi chặt xong phải rửa lại bằng nước suối cho sạch sẽ và chọn thêm một vài lá chuối non để làm nắp đậy.
Trước khi nấu cơm lam, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào từng ống một, lấy lá chuối non nút lại thật chặt và đặt trên bếp lữa đang cháy to. Ngồi bên bếp lửa, cầm ống nứa trở qua trở lại thì ống nứa bắt đầu sôi lên và chín dần. Sức nóng của lửa làm cho hơi nước sôi lên toả mùi thơm ngát. Trước khi mang ra đãi khánh, các ống cơm lam đều được chẻ bỏ bớt phần cật nứa bên ngoài cho sạch, chỉ để lại phần lõi bên trong. Người ăn có thể cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn bám vào để lấy cơm ăn hoặc có khi chủ nhà cắt thành từng khúc để mời khách. Tuy nhiên, khi ăn cơm lam khách tự bóc sẽ thú vị hơn. Bóc làm sao để vẫn giữ được lớp vỏ lụa trắng mỏng manh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp. Chị Bling Thị Tư, một người nhiều năm làm cơm lam cho dân làng mỗi khi có ngày lễ, ngày Tết chỉ cho tôi cách tách mỏng ống cơm lam, cách chọn những đoạn cơm ngon dành cho khách, cho biết: “Cơm lam đãi khách là phải chọn ống ngon, cơm chín dẻo và đều, phần đầu phần đuôi ống thì dân làng dùng, còn đoạn giữa ống là phần cơm ngon nhất dùng cho khách”… đây cũng là nét văn hoá độc đáo, tinh thần mến khách của đồng bào CơTu. Nghe thì dễ, nhưng không phải ai cũng khi nấu cơm lam ngon được. Có người làm khi thì cơm sống, khi thì cơm nhão, có khi phần dưới thì cháy còn phần trên thì sống… Chính vì vậy, thức ăn nấu nướng trong ống tre, ống lồ ô phải có người chuyên làm mới ngon. Phải nói là thức ăn nấu, nướng trong ống tre ngon tuyệt, ai ăn cũng tấm tắc khen. Khi mở ống ra, cơm thơm ngào ngạt mùi gạo mới, mùi lá chuối, mùi tre tươi… khi tước cái vỏ ống ra thì một thỏi cơm trắng ngần gật gù trên tay, bẻ từng miếng nhỏ chấm với muối sả, muối ớt rừng đặc biệt là tiêu rừng kèm theo xé kèm một miếng thịt gà, thịt heo nướng thì quả là “sơn hào hải vị” ngon không già bằng. Thịt nướng và Zơ rá… Nói đến cơm lam chúng ta không thể không nói đến món ăn thường đi kèm đó là thịt nướng. Đó là món ăn ta không thể bỏ qua…
Theo đồng bào CơTu nơi đây có rất nhiều cách nướng thịt, những chung quy lại thì có hai kiểu nướng thịt, khi nướng thịt gà, thịt sóc, thịt chuột… thì nướng trực tiếp trên bếp than củi nguyên con bằng cách mổ phanh ra, dùng 3 que tre xiên theo hình rẽ quạt rồi cắm dựng bên bếp than, khi chín ăn đến đâu xé đến đấy. Đối với thịt thịt heo, thịt bò, hay đặc là các món thịt từ rừng như thịt heo rừng, thịt nai, sơn dương, hay thịt ếch, cá… thì thái miếng ướp gia vị rồi nhồi vào ống tre, nút bằng ruột lõi cây chuối, dựng quanh bếp than củi. Nước thịt được giữ lại trong ống tre, nước từ là chuối non ăn vào ngọt lịm cùng với hương vị rượu cần thì tuyệt tác vô cùng, đậm chất đồng quê dân dã. Dù có nhiều món ăn được “sáng tạo” kết hợp với ống tre, song có lẽ ngon và tiêu biểu hơn hẳn phải kể đến món thịt heo cỏ, món ếch đá nướng ống tre… Gọi là nướng nhưng nếu bạn không được nhìn tận mắt quá trình chế biến, sẽ nhầm tưởng đây là món hấp. Đơn giản vì sau khi nướng, nguyên liệu và thực phẩm bên trong ống tre vẫn giữ được vẹn nguyên vị ngọt, mềm, chẳng khác nào món hấp vậy. Đây được xem là đặc trưng của món ăn này và những món này dùng chung với chén rượu cần, hay sang hơn là dùng với rượu Bakích thì tuyệt.
Trong các dịp lễ, Tết hay có khách quý, ngoài các món cơm lam thịt nướng thì phải có một món ăn không thể thiếu đó là món canh thọt ống (Zơ rá). Để làm món này người ta thường dùng các nguyên liệu có từ núi rừng như là môn, sắn hay trái cà tím, cà xanh, cá đồng và có khi dùng cả thịt chuột núi …những nguyên liệu này được cắt nhỏ, bỏ vào ống xen kẻ nhau và không quên bỏ thêm ít muối, ớt, hay ít tiêu rừng sau đó đặt ống lên bếp và nướng chín. Gọi là món canh thọt ống là vì thức ăn chín rồi không đem ra đãi khách ngay mà phải qua một giai đoạn rất quan trọng là phải làm sao cho thức ăn trong ống phải nhuyễn, bằng cách là thọt. Người CơTu thường dùng ngọn cây mây nước dể thụt vì ngọn cây có những cụm gai sắc nhọn dễ làm. Nói cách làm món Za rá Chị Bhling Thị Trơu cho biết thêm: Những món này thường làm bằng lá môn, săn và cả con chuột bỏ vào đây rồi nướng trên lữa rồi thốc, tuỳ theo mình làm có người lấy sắn với cá thốc ngon hơn. Cây để thốc thường là cành mây vì cành mây có những gai nhọn khi thốc nhanh nát và ngon hơn”. Sau khi làm xong các món, lá chuối là thứ không thể thiếu để bày các món ăn, cả khách lẫn chủ lúc này đã đói, ai ai cũng hảo hức chờ thưởng thức. sắn lam, cơm lam, cả thịt heo nướng ống, rồi món Zơ rá được bày ra trên nền lá chuối bốc hơi ngụt ngụt, thơm ngát.
Say cùng Bakích …
Nói đến văn hoá ẩm thức của đồng bào CơTu, bên cạnh đồ ăn ngon đi kèm với đó là đồ uống truyền thống để tăng thêm vị đậm đà. Đền nhà bất kỳ đồng bào CơTu cũng ta cũng bắt gặp từ 2 đến 3 ché rượu cần vài hủ Bakích để phòng đãi khách. Được thưởng thức một đặc sản rượu Bakích Tây Giang đi cùng với món thịt nướng làm mồi thì không gì bằng. Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, có ghi những công hiệu kỳ diệu của Ba kích, như có tác dụng ôn thận bổ dương, mạnh gân cốt, khoẻ tứ chi… Là vị thuốc bổ trí não và tinh khí. Dùng chữa các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh…” anh em chúng tôi vẫn thương gọi loại rượu “Ông uống bà khen”. Quá nhiều giai thoại chung quanh sắc tím hoa cà này.
Khi các món được bày ra đãi khách, mọi người lúc này không phân biệt đâu là chủ, đâu là khách mọi người vui vẻ quây quần bên bàn tiệc, cùng thưởng thức cơm lam, thịt nướng, thêm vị Zơ rá, nâng chén ruợu Bakích mà càng thêm sản khoái, không kể người trẻ, hay già, trai hay gái ai cũng chung vui, cùng nâng ly mừng một mùa lúa mới bội thu, mừng vì bản làng mình có thêm nhiều khách quý đến thăm. Nghệ thuật ẩm thực của đồng bào CơTu thật độc đáo, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, người CơTu vẫn giữ được bản sắc văn hoá riêng cho mình. Nếu có dịp lên vùng cao biên giới Tây Giang hãy cùng đồng bào CơTu thưởng thức món ăn dân dã cơm lam, thịt nướng, nhân nhi ly rượu cần, rượu Ba kích, nghe câu hát lý sẽ thấy hấp dẫn vô cùng… Nguồn: Quảng Nam Yêu Thương
Tiêu rừng (Amót) đặc sản Tây Giang Quảng Nam
Từ lâu, núi rừng Tây Giang (Quảng Nam) được thiên nhiên ban tặng cho một loại cây có hương vị không thể lẫn vào bất kỳ mùi vị nào khác. Người dân Cơtu nơi đây đặt tên cho loài cây này một cái tên dễ gọi, đúng với nguồn gốc của nó, đó là tiêu rừng(Amót). Amót có mặt trong nhiều món ăn của đồng bào nơi đây.
Tiêu rừng độc đáo và khác biệt
Khác với loài tiêu thường và ớt, cây thân gỗ này có chiều cao khoảng 10 – 15cm (cao hơn nóc nhà cấp 4) và đường kính lớn nhất khoảng 12 – 14cm. Lá tiêu rừng nhỏ, thân cây xanh trơn. Sau từ 2 – 3 năm, cây cho quả vào khoảng tháng chín, tháng mười. Quả tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh, trông như cà phê, tiêu thường. Mỗi cành có vô số quả. Hàng năm, cây tiêu rừng cho 8 – 12kg hạt. Thân cây cũng có mùi thơm như quả, vì vậy mà nhiều người bản địa còn lột vỏ cây làm gia vị khi trong nhà hết quả tiêu khô dự trữ.
Tiêu rừng không mọc tràn lan như các loài cây khác. Nguồn gốc của tiêu rừng cũng hết sức độc đáo, riêng biệt. Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi tiêu rừng mọc rất thưa, chỉ thi thoảng có ở những sườn đồi mới được phát đốt gần như là lần đầu tiên và không phải ở bất kỳ đám nương rẫy nào giữa đại ngàn Trường Sơn cũng có. Cây tiêu có vị thơm ngon nhất, thường ở xã Lăng và 4 xã khu 7 là A Xan, Ch’Om, Tr’Hy, Ga Ri. Người Cơtu cũng chưa lý giải được tại sao ở các xã vùng trung, vùng thấp của huyện lại ít có cây tiêu rừng, dù ở đó vẫn có những đám rẫy được phát đốt lần đầu tiên. Nhiều người chỉ lờ mờ cho rằng, có lẽ tiêu rừng chỉ hợp với thổ nhưỡng từ xã Lăng lên khu 7.
Cách thức hái tiêu cũng rất khác biệt. Vì cây cao to, cành cây dai nên thường thì đàn ông trèo lên từng cành để trút. Khi đã hái về, đồng bào đem phơi khô rồi trữ vào trong vỏ quả bầu hoặc ống tre khô, có nắp đậy kín, để quanh năm trên gác bếp, gần mặt lửa. Làm như vậy tiêu rừng có thể để được quanh năm mà vẫn không bị bay mùi. Đặc điểm riêng của loại tiêu này là mọt không thể ăn được, để đến bao lâu vẫn còn nguyên hương vị.
Gia vị số một của người CơTu
Mùa nào thức ấy, người Cơtu vùng cao Tây Giang khi bắt được con cá liêng hay ăn thịt gà, thịt sóc, thịt chim, thịt chuột hoặc thịt heo ta, heo rừng đều cần đến Amót. Amót có thể nêm trực tiếp vào món ăn khi chế biến hoặc giã vài hạt để làm muối chấm. Với người Cơtu ở Tây Giang, đây là loại gia vị số một. Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào bất kỳ món ăn gì thì món đó lập tức có mùi riêng ngay. Tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại có sức tác động kỳ lạ. Nhiều người vốn kén ăn hoặc ăn ít nhưng khi chế biến thức ăn với tiêu rừng thì ăn tăng khẩu phần.
Ngày nay, ở huyện Tây Giang tiêu rừng có mặt ở hầu hết nhà hàng và các quán ăn, tạo nên chút hương rừng vùng cao Quảng Nam. Các chủ nhà hàng đến tận nhà dân, tìm mua bằng được hàng chục lon tiêu rừng, để dành chế biến món ăn. Các em học sinh, sinh viên dù học xa nhà, đều mang theo bên mình những ống muối tiêu rừng. Trong bữa cơm đạm bạc của các em, muối tiêu rừng có thể là thức ăn chính…
Amót đã tạo nên sự mặn mà riêng trong các món ăn hương rừng đất Quảng. Ẩm thực vùng cao có vị tiêu rừng ngon đến kỳ lạ. Được thưởng thức món cá liêng chiên vàng hoặc món thịt chim nướng, miếng thịt hươu, nai săn bắt được chấm với muối tiêu rừng thì trên cả tuyệt vời. Với Amót, không thể nào lột tả được hết hương vị “khó tả” đặc trưng của tiêu rừng vùng núi rừng Tây Giang. Chỉ biết cái mùi thơm lạ lùng đó thì bất kỳ một đoàn công tác nào dưới đồng bằng mỗi dịp lên đây công tác đều được bà con Cơtu nơi đây chiêu đãi về món tiêu rừng Tây Giang.
Khách sạn ở khu du lịch Tây Giang Quảng Nam
Do địa hình Tây Giang là miền núi xa xôi, địa hình hiểm trở nên các dịch vụ lưu trú chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để phục vụ cho du lịch. Vì vậy, khi đến du lịch Tây Giang Quảng Nam bạn có thể lưu trú tại khu vực trung tâm huyện là làng truyền thống CơTu là địa điểm đón khách du lịch. Hoặc bạn có thể chọn Đỉnh Quế làm nơi lưu trú dưới hình thức homestay ở Tây Giang và đặt đồ ăn tại chỗ luôn nhé.
Tour du lịch Tây Giang Quảng Nam
Nếu sau khi tham khảo, bạn vẫn cảm nhận không nên đi phượt Tây Giang một mình mà nên tham gia một tour du lịch Tây Giang để khám phá hết các địa điểm nổi bật nơi đây đầy đủ nhất. Hãy bắt đầu tham khảo hành trình dưới đây xem có phù hợp với nhu cầu của bạn không nha.
Ngày 1: Đà Nẵng – Đồi chè Đông Giang – Cổng trời – Đỉnh Quế
Khởi hành vào lúc 6h sáng theo hướng Quốc lộ 14G từ Đà Nẵng đến đồi chè Đông Giang trước tiên, vượt qua Dốc Kiền mất khoảng 45 phút đi bằng ôtô bạn rẻ phải đến được đồi chè nổi tiếng nhất miền Trung. Sau khi tham quan, chụp ảnh bạn tiếp tục đến thị trấn Đông Giang ăn uống. Tiếp tục tiến về hướng thị trấn P’rao có 2 hướng để đến cổng trời nhưng ở đây mình giới thiệu hướng đi tốt nhất là từ Đồi chè đông Giang đi theo hướng Quốc lộ 14G gặp Hạt kiểm lâm Đông Giang rẻ trái vào đường Hồ Chí Minh/QL14, rẻ trái là đến Cổng trời Đông Giang gần thác 9 tầng. Từ cổng trời đi về hướng Tây Giang theo đường Hồ Chí Minh, gặp đường Quốc lộ 14G, rẽ trái chạy men theo đường này rẻ phải đến Đỉnh Quế Tây Giang.
Ngày 2: Tây Giang – Thác R’Cung – Đà Nẵng
Bạn sẽ đến trung tâm thị trấn Đỉnh Quế ngủ qua đêm, sáng thức dậy là đã có thể ngắm cảnh sắc bồng lai tiên cảnh, săn mây trên Đỉnh Quế để cảm nhận không khí trong lành mát mẻ của khí trời nơi đây. Sau đó di chuyển đến trung tâm Tây Giang khám phá làng truyền thống Tây Giang CơTu. Sau đó tiếp tục đến Thác R’Cung tham quan, bơi lội rồi quay ngược lại đường Quốc lộ 14G để tiến về Đà Nẵng, kết thúc hành trình.
Địa điểm du lịch Tây Giang Quảng Nam nên đến một lần trong đời để cảm nhận không khí trong trẻo, mát lạnh như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh chốn trần gian bởi vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, nếu bạn chọn hình thức phượt du lịch đến Tây Giang thì có thể tham gia leo núi ngắm hoa Đỗ Quyên nở rực rỡ khắp các sườn núi tạo nên khung cảnh nên thơ lãng mạng không thể tin vào mắt mình.
Đừng hẹn chi! em đừng hẹn chi em nhé….
Có nhớ thương! xin hãy ghé lại tìm nhau
Anh vẫn đợi như mây trắng kia đợi nắng
Như cây rừng xôn xao đợi mưa nguồn
Khơi dòng khát trào tuôn…
Nhận xét
Đăng nhận xét